Quỳnh và Thanh Long

DS Trần Việt Hưng
 





Trong bài "Quỳnh : Cây hoa , vị thuốc", chúng tôi có ghi nhận một loại Quỳnh tại Trung Hoa, vừa dùng làm cây cảnh, vừa dùng làm thuốc và thực phẩm.. Đó chính là cây Thanh Long.

Thanh long : tên khoa học Hylocereus undatus , họ thực vật Cactaceae, thuộc nhóm Quỳnh cho hoa nở về đêm "Night blooming Cereus". Thanh long còn có các tên : Strawberry Pear, Pitaya (Tây ban Nha và còn phân biệt thành pitahaya roja hay blanca tại Mexico; pitahaya de cardón tại Guatemala).. Oeil de Dragon (Tại Việt Nam, cây còn được gọi tại một số địa phương là Tường-liên) Tên Hylocereus xuất phát từ tiếng Hy-lạp, có nghĩa là "gỗ" Undatus nghĩa là dợn sóng, không dẹp lép..

Thanh long có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Cây đến với Hawaìi vào năm 1830 trong một chuyến tàu chở nhiều loại cây chất lên từ một hải cảng Mexico, trong một chuyến hải hành từ Boston sang Quảng Đông. Khi ghé Hawaii, đa số cây cối bị vứt bỏ vì hư hại chỉ có Thanh long là chưa chết hẳn nên được cắt thành từng đoạn và thử trồng tại Hawaii. Cây phát triển mạnh và loại xương rồng này trở thành một cây cảnh trên khắp đảo quốc ..Tại Hawaii cây cho hoa rất đẹp..nhưng ít khi cho quả..
Thanh long thuộc loại thân leo có thể trườn dài đến 10m phân nhánh nhiều, bám vào các giá thể nhờ các rễ phụ rất phát triển. Thân và cành đều màu xanh lục, có 3 cạnh dẹp, mép có ít gai nhỏ, ngắn (2-4 chiếc ở gốc mỗi thùy răng). Hoa rất lớn mọc đơn độc trên cành, đường kính đến 30 cm, màu trắng xanh hay vàng lợt. Hoa có nhiều lá đài và cánh, dính với nhau tạo thành ống. Hoa có nhiều nhị. Quả màu đỏ tươi, hồng hay vàng , mọng nước, có nhiều gai mềm do những cánh hoa còn lại, đường kính khoảng 10 cm. Vỏ quả rất dễ bóc. Phần thịt màu trắng chứa nhiều hạt nhỏ màu đen.
Tại Việt Nam, Thanh long được trồng thành những khu vực sản xuất lớn để lấy quả tại các tỉnh miền Trung như Ninh thuận, Bình thuận..Thu hoạch trong những tháng Hè-Thu. Tại Hoa Kỳ, Thanh long được trồng khá tập trung ở Florida.

Thành phần dinh dưỡng :
100 gram phần ăn được chứa :
- Chất đạm 0.159-0.229 g
- Chất béo 0.21-0.61 g
- Chất sơ 0.7-0.9 g
- Calcium 6.3-8.8 mg
- Sắt 0.55-0.65 mg
- Phosphorus 30.2-36.1 mg
- Beta-Carotene (A) 0.005-0.012 mg
- Thiamine (B1) 0.028-0.043 mg
- Riboflavine (B2) 0.043-0.045 mg
- Niacin (B3) 0.297-0.430 mg
- Ascorbic Acid 8.0-9.0 mg

Vài phương thức sử dụng :
- Khi dùng làm thực phẩm : Phần thịt của quả Thanh long màu trắng, có vị ngọt, chứa nhiều nước và rất nhiều hạt nhỏ màu đen. Thanh long thường được ướp lạnh, bổ làm đôi và dùng thía để xúc ăn. Nước ép được dùng làm nước giải khát. Từ cả quả , các nhà chế tạo thực phẩm đã làm ra một loại si-rô dùng tạo màu cho bánh và kẹo. Nụ hoa chưa nở có thể nấu ăn như rau.
- Theo Đông Y : Quả Thanh long có vị ngọt/nhạt, tính mát ; có những tác dụng "thanh nhiệt", "nhuận phế" chỉ khái, hóa đàm; tác dụng vào các kinh mạch thuc Phế và Vị. Thân có tác dụng "thư cân, hoạt lạc" và "giải độc". Do đó quả Thanh long được dùng để giải nhiệt và giúp nhuận trường, trị táo bón. Hoa Thanh long dùng trị sưng cuống phổi, sưng hạch bạch huyết. Thân Thanh long dùng đắp trị phỏng, ung nhọt..
- Tại Trung hoa, Hoa Thanh long hay Jian hoa (Kiếm hoa= Sword flower), còn có những tên kỳ lạ khác như Liang tian chi hoa ( Cây hoa cai trị vũ trụ), ba wang hua (Hoa vua độc đoán)..

Tài liệu sử dụng :
- The Oxford Companion to Food (Alan Davidson)
- Vegetables as Medicine ( Chang Chao-liang)
- The Whole Foods Companion (D. Onstad)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Vỏ văn Chi)


Trần Việt Hưng